Hiện thực hóa “giấc mơ” xuất khẩu cơ khí - Laser
» Tin tức » Hiện thực hóa “giấc mơ” xuất khẩu cơ khí

Hiện thực hóa “giấc mơ” xuất khẩu cơ khí

Trong định hướng phát triển, ngành cơ khí không chỉ đặt mục tiêu đáp ứng nhu cầu thị trường (TT) trong nước, mà còn hướng tới đẩy mạnh xuất khẩu (XK). Nhưng liệu “giấc mơ” này có thành hiện thực khi sản phẩm của ngành công nghiệp cơ khí (CNCK) hiện nay có sức cạnh tranh thấp, các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao mang “thương hiệu Việt” không nhiều? Vậy đâu là giải pháp hiện thực hóa “giấc mơ” này?

“Dậm chân” ở thời công nghiệp 2.0

Thực tiễn 30 năm qua cho thấy ngành CNCK phát triển chậm, thậm chí đang tụt hậu so thế giới, không đủ sức cạnh tranh giữ TT trong nước. Hiện nay, sản xuất chế tạo cơ khí Việt Nam vẫn đang sử dụng công nghệ và thiết bị của thời công nghiệp thứ 2 (CN 2.0). Trong khi đó, tổ chức sản xuất cơ khí của các nước phát triển đang sử dụng công nghệ CN 3.0 và đang chuyển nhanh sang CN 4.0.

Tại Hội thảo “Triển khai thực hiện chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và cuộc cách mạng CN 4.0”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Cơ khí Việt Nam Đào Phan Long nhận định, nền kinh tế nói chung và CNCK nói riêng của Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn bởi sự phát triển rất nhanh của khoa học – công nghệ (KHCN) thế giới. Chính phủ cần phải đưa ra một phương hướng đầu tư, lộ trình phát triển một số sản phẩm, ngành hàng cơ khí chính yếu, có chọn lọc bằng một hệ thống chính sách đồng bộ và khả thi thì CNCK Việt Nam mới có thể phát triển bền vững được trong những năm tới.

Hiện tại, trình độ công nghệ, thiết bị sản xuất cơ khí của Việt Nam vẫn quá lạc hậu. Phần lớn việc tổ chức DN, quản lý sản xuất cũng như nghiên cứu và phát triển (R&D) mới ở trình độ CN 2.0 dẫn đến các sản phẩm cơ khí, nguồn nhân lực… thua kém các nước trong khu vực. Từ đó, cơ khí Việt Nam bị thua trên “sân nhà” trước các đối thủ có nền CNCK hiện đại. Có thể thấy, về cơ bản, các DN cơ khí nội địa Việt Nam thuộc nhiều thành phần kinh tế vẫn đang tổ chức sản xuất ở trình độ CN 2.0 (trừ khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài – FDI), là công nghệ và quản lý sản xuất mà các nước CN trên thế giới đã bỏ qua và đặc biệt lại bị chia tách không kết nối được với nhau. Hiện tại, mới chỉ có rất ít DN cơ khí Việt Nam đạt trình độ CN 3.0.

Theo ông Đào Phan Long: “Sau hàng chục năm, thực tế này rất đáng buồn cho cơ khí Việt Nam. Các DN cũng như các nhà hoạch định chính sách CN cần nhìn thẳng sự thật để tìm ra những nguyên nhân chính đã làm cho sản xuất cơ khí nội địa Việt Nam tụt hậu, thua kém các nước như vậy”.

 

Phó Cục trưởng CN (Bộ Công thương) Phạm Tuấn Anh cũng cho rằng, ngành cơ khí đang phải cạnh tranh tương đối gay gắt với sản phẩm nhập khẩu. Việc mở rộng TT vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu thông tin TT và năng lực cạnh tranh trong nước chưa đủ mạnh. Ngay tại TT trong nước, DN cơ khí cũng khó tham gia các dự án đầu tư lắp đặt trang thiết bị trong các ngành thép, hóa chất, năng lượng, chủ yếu do thiếu hệ thống kiểm định chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế; các DN, sản phẩm cơ khí trong nước cũng chưa xây dựng được thương hiệu và được nhiều khách hàng biết đến. Các cam kết tự do thương mại đã và đang tạo thêm áp lực đối với DN trong nước khi hàng rào thuế quan bảo hộ sản xuất trong nước được gỡ bỏ, trong khi năng lực cạnh tranh trong nước vẫn chưa cải thiện nhiều.

Xuất khẩu thụt lùi

Theo “Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”, đến năm 2035, ngành cơ khí Việt Nam sẽ phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu. Về XK, giai đoạn đến năm 2020, sản lượng XK đạt 35% tổng sản lượng ngành cơ khí; giai đoạn đến năm 2030 đạt 40%; đến năm 2035 đạt 45%…

Mục tiêu XK này không lớn nhưng trong bối cảnh ngành cơ khí ngày càng tụt hậu, theo các DN và chuyên gia, điều này rất khó khăn. Các số liệu thống kê cho thấy, XK cơ khí đang có dấu hiệu giảm dần. Năm 2014, XK cơ khí đạt kim ngạch 15,23 tỷ USD, năm 2015 là 26,6 tỷ USD. Năm 2016, kim ngạch XK các sản phẩm cơ khí chỉ đạt hơn 13 tỷ USD, chủ yếu là các loại thiết bị gia dụng và phụ tùng linh kiện ô-tô, xe máy. Nếu tính cả sắt thép các loại, kim ngạch XK các sản phẩm cơ khí của Việt Nam mới đạt hơn 16 tỷ USD.

Giám đốc Công ty Tư vấn CN Việt Nam (ICOVI) Nguyễn Đức Thịnh chia sẻ, rất phấn khởi trước các mục tiêu phát triển ngành cơ khí được nêu ra trong chiến lược. Tuy nhiên, nếu các DN cơ khí trong nước không phát triển, chắc chắn sẽ không triển khai được “tham vọng” như vậy. Hiện nay, DN FDI có nhiều lợi thế hơn các DN trong nước. Họ được hưởng các chính sách ưu đãi của Chính phủ, vay vốn từ các ngân hàng nước ngoài lãi suất thấp hơn nhiều so lãi suất các DN Việt Nam vay trong nước, được sự hỗ trợ toàn diện của công ty mẹ, có thương hiệu, có TT quốc tế khá ổn định và dung lượng khá lớn… Điều đó khiến các DN cơ khí trong nước gặp rất nhiều khó khăn trong cạnh tranh. Nhiều thành viên trong Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam cho rằng, đây là sự cạnh tranh chưa bình đẳng.

Là một DN thuộc nhóm các DN nhỏ và vừa (NVV) hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, đại diện Công ty TNHH Fumee Tech cũng cho biết, rào cản lớn nhất của DN là vốn, điều này hạn chế tốc độ phát triển của DN. Vì vậy, để hỗ trợ các DNNVV có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nên có thêm nhiều quỹ tài trợ, vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng mà DN có thể tiếp cận nhanh chóng và thuận tiện hơn.

Trước các kiến nghị của DN, đại diện Bộ Công thương khẳng định, sắp tới sẽ nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại, nhằm thu hút đầu tư từ các DN cơ khí có thương hiệu trên thế giới để dần hình thành chuỗi cung ứng trong nước và tìm kiếm mở rộng TTXK cho các DN cơ khí trong nước.

Đổi mới để phát triển

Sản phẩm cơ khí của Việt Nam hiện nay có sức cạnh tranh thấp, các DN trong nước đầu tư chắp vá, dàn trải với công nghệ sản xuất khép kín và lạc hậu, thiết bị chậm đổi mới. Tình trạng chia cắt và phân tán trong ngành cơ khí chưa được khắc phục, năng lực nghiên cứu tư vấn ứng dụng KHCN tiên tiến còn hạn chế, sản phẩm cơ khí có hàm lượng KHCN khá mang “thương hiệu Việt” không nhiều. Do vậy, bên cạnh chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ông Trần Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Kết cấu thép và Thiết bị nâng Việt Nam cho rằng, các DN cần phải tạo TT bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm có giá cả cạnh tranh, tập trung vào công tác marketing giới thiệu sản phẩm. Cùng với đó, xây dựng các tiêu chuẩn thiết kế, chế tạo, quản lý phù hợp các tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn khu vực để có thể XK và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, DN lựa chọn một vài sản phẩm nghiên cứu và sản xuất chuyên sâu, tăng cường hợp tác lẫn nhau để tránh đầu tư dàn trải.

Cùng quan điểm, ông Đào Phan Long cho rằng, cơ khí Việt Nam muốn có nhiều đơn hàng, tham gia chuỗi XK cần phải đổi mới thiết bị, công nghệ, trình độ KHCN để có thể chế tạo các sản phẩm phụ tùng, linh kiện, chi tiết máy theo đơn đặt hàng của đối tác nước ngoài với chủng loại đa dạng như: phụ tùng ô-tô, phụ tùng linh kiện thiết bị điện tử, các chi tiết đúc, rèn, các cụm thiết bị…

Nhìn vào ngành cơ khí Việt Nam từ góc độ DN FDI, ông Park Hongook, Tổng Giám đốc Công ty TNHH công nghiệp nặng Doosan Việt Nam cho rằng, các DN trong nước chưa thật sự liên kết chặt chẽ với nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Giữa các DN FDI và các DN tư nhân chưa có nhiều cơ hội để KHCN có thể lan tỏa, hỗ trợ, tương hỗ nhau. Đây là một trong những thách thức rất lớn nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ của Chính phủ, ngành cơ khí Việt Nam rất dễ bị bỏ lại phía sau trong cuộc cạnh tranh toàn cầu thời kỳ CMCN 4.0.

Theo Hiệp hội DN Cơ khí, Chính phủ có thể đưa ra các chương trình hỗ trợ thiết thực hơn đối với DN. Đó chính là hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý đạt tiêu chuẩn quốc tế, đào tạo về kỹ năng quản trị, tài chính, kinh doanh… cho các chủ DN để DN phát triển đúng hướng, có chiến lược kinh doanh bài bản và tầm nhìn dài hạn. Mặt khác, Nhà nước nên thành lập các trung tâm tư vấn công nghệ để hỗ trợ DN trong các vấn đề về cải tiến và nâng cấp công nghệ cũ, mua và chuyển giao công nghệ mới. Điều đó sẽ giúp DN có được những kiến thức cập nhật về tình hình công nghệ trong nước và trên thế giới, từ đó đánh giá và lựa chọn hướng đi phù hợp.