Khoa học và công nghệ: Lực đẩy cho ngành cơ khí - Laser
» Tin tức » Khoa học và công nghệ: Lực đẩy cho ngành cơ khí

Khoa học và công nghệ: Lực đẩy cho ngành cơ khí

(VEN) – Khoa học và công nghệ (KH&CN) được xem là “cú húych” quan trọng, tạo lực đẩy cho ngành cơ khí phát triển, đồng thời thực hiện thành công Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 vừa được Chính phủ ban hành vào tháng 3/2018.

Chủ động nội địa hóa

Cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế trong nước. Thực tế, nhờ coi trọng hoạt động nghiên cứu, tiếp thu công nghệ và chuyển giao công nghệ, ngành cơ khí trong nước đã đạt được những thành quả đáng kể, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trước vấn đề này, ông Chu Ngọc Anh – Bộ trưởng Bộ KH&CN – cho biết, trong lĩnh vực cơ khí và chế tạo, hàng trăm chủng loại sản phẩm ra đời từ kết quả của hoạt động nghiên cứu KH&CN đã được thiết kế, chế tạo thành công với giá thành cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu sản xuất, góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa thiết bị, giảm nhập khẩu. Một số tổng công ty đã có đủ năng lực làm tổng thầu các công trình lớn hàng tỷ USD, một số sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn chất lượng tương đương với sản phẩm nhập khẩu, đủ điều kiện xuất khẩu và cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài. Đặc biệt, đối với chuyên ngành cơ khí giao thông, đã hình thành chuỗi giá trị sản xuất các linh kiện, chi tiết thiết bị hỗ trợ, lắp ráp. Trong chuyên ngành cơ khí nông nghiệp, đã tạo được nhóm sản phẩm thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất chế biến phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Việt Hòa – Vụ trưởng Vụ KH&CN – Bộ Công Thương đưa dẫn chứng, trong lĩnh vực cơ khí, một số đơn vị, doanh nghiệp (DN) trực thuộc Bộ Công Thương là Viện Nghiên cứu Cơ khí, Tổng Công ty Máy và Thiết bị Công nghiệp đã làm chủ thiết kế chế tạo các thiết bị cơ khí thủy công như các loại van cung, van phẳng có kích thước lớn, độ phức tạp cao cung cấp cho các công trình xây dựng các nhà máy thủy điện trên cả nước, góp phần đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La. Hay, Công ty Cổ phần Chế tạo Bơm Hải Dương triển khai nghiên cứu tự thiết kế, chế tạo được hầu hết các loại bơm, công suất đến 2.200 kW, lưu lượng đến 50.000 m3/ giờ, cột áp đến 1.000m với chất lượng tốt, cạnh tranh tốt với sản phẩm nước ngoài cùng loại, đáp ứng hầu hết các nhu cầu của nền kinh tế đất nước, đạt tỷ lệ nội địa hóa 95-100%, giá bán bằng 80-90% bơm của Hàn Quốc, 60-70% giá bơm của các nước G7.

PGS.TS. Nguyễn Chỉ Sáng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí – cho hay, nếu như trước năm 2005, Việt Nam phải nhập khẩu hầu hết thiết bị cơ khí thủy công của nước ngoài, nhưng sau đó với chủ trương của Chính phủ về nội địa hóa đến mức tối đa có thể và theo sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, các DN trong nước đã tìm mua thiết kế của nước ngoài, kết hợp với kinh nghiệm sẵn có để tiến hành công việc nội địa hóa. Đến nay, chúng ta đã hoàn toàn làm chủ thiết kế và chế tạo, cung cấp thiết bị cho hàng chục dự án thủy điện với giá trị hàng ngàn tỷ đồng, giá thành rẻ đáng kể so với sản phẩm nhập ngoại.

Hướng tới công nghệ tiên tiến

Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đề ra mục tiêu, sau năm 2025, hình thành một số tổ hợp nhà thầu tư vấn và chế tạo có khả năng làm chủ công tác thiết kế, chế tạo nhóm thiết bị phụ, gói thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) của các công trình công nghiệp; tập trung hỗ trợ một số DN trong nước có tiềm năng trở thành các tập đoàn mạnh trong lĩnh vực như ô tô, máy nông nghiệp và thiết bị điện. Đến năm 2035, ngành cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu; chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm cơ khí, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản phẩm cơ khí của thị trường trong nước…

Theo đó, nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ DN mua thiết kế, đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất, áp dụng công nghệ và mô hình quản lý sản xuất tiên tiến để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tài nguyên đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm cơ khí; hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm hoặc hỗ trợ mua sáp nhập các DN toàn cầu có thương hiệu, bao gồm cả phần nghiên cứu và phát triển (R&D) để rút ngắn quá tiến trình công nghiệp hóa.

Để thúc đẩy ứng dụng KH&CN trong ngành cơ khí, ông Đỗ Phước Tống – Chủ tịch Hội DN Cơ khí – Điện Thành phố Hồ Chí Minh (HAMEE) đề xuất: Chính phủ cần cần xây dựng ngành cơ khí đủ sức cạnh tranh, vươn lên trong cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Theo đó, cần ban hành các chính sách phù hợp hơn nhằm khuyến khích phát triển ngành cơ khí. Hỗ trợ DN đầu tư vào thiết bị máy móc, xây dựng nhà xưởng sản xuất bằng cách hỗ trợ vay vốn, tạo điều kiện và có chế độ ưu đãi cho các DN cơ khí chế tạo được vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với chi phí hợp lý, xây dựng các chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn ngành làm căn cứ cho việc định hướng phát triển; xây dưng cơ chế để thúc đẩy chuyển giao công nghệ và kỹ thuật từ DN FDI sang DN Việt Nam….

Theo Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035: Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm cơ khí chế tạo quan trọng trong lĩnh vực ô tô, máy nông nghiệp và thiết bị điện, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời xây dựng các rào cản kỹ thuật theo hướng nâng cao chất lượng đối với các sản phẩm cơ khí nhập khẩu.